Cô nàng nguyệt san vốn đã đành hanh, vậy mà nhiều XX còn muốn qua mặt cô nàng này nữa đây.
Làm gì có chuyện nguyệt san dịch chuyển được!
Có mà rối loạn kinh nguyệt thì có. Cô bạn này tha cho bạn không chơi trốn tìm thì thôi, chứ bạn lại còn mơ điều khiển được nàng ta nữa đấy.
Nếu XX trót mơ mộng rằng mình có thể cho cô nàng này vào danh sách những đối tượng quản lý được của mình thì hãy mong rằng cô nàng này sẽ không trễ hẹn, chứ còn lâu nàng ta mới chịu để tình trạng “chỉ đâu đánh đấy”.
Nguyệt san… hô biến
Là bùa chú cho các cô nàng đang bị cuốn vào các chuyến du lịch hấp dẫn. Cách phổ biến mà các teen-girl vẫn áp dụng theo phương thức “truyền miệng” hiện nay là sử dụng viên thuốc tránh thai hàng ngày (loại 28 viên).
Uống thuốc trước chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện ít nhất 5 ngày. Bình thường trong giai đoạn này, niêm mạc tử cung đang bị teo lại và chuẩn bị “bám càng” nguyệt san ra ngoài.
Nhưng khi uống thuốc, hàm lượng estrogen trong cơ thể sẽ tăng cao, lớp niêm mạc tử cung bỗng nhiên được tiếp thêm năng lượng, dày lên, và nhất định không chịu rời khỏi vị trí.
Điều này đương nhiên đồng nghĩa với việc, nguyệt san tạm thời sẽ đi vắng vài ngày và ghé thăm bạn gái muộn hơn. Ba đến năm ngày sau khi dừng thuốc, cô nàng nguyệt san sẽ xuất hiện trở lại.
Dịch chuyển nguyệt san dễ dàng thế sao?
Thực tế, không hề dễ dàng chút nào. Nó chỉ phát huy hiệu quả khi được áp dụng với những cô nàng có chu kì nguyệt san ổn định mà thôi. Lý do rất đơn giản, nguyệt san ổn định thì chuyện xác định ngày mới có thể tính chuẩn xác được.
Và như vậy bạn gái mới có thể biết được ngày nào mình cần phải uống viên thuốc số 1 trong vỉ thuốc kia.
Nhưng thực tế là với tuổi teen, kinh nguyệt không đều thường xuyên xảy ra, thế nên có tính được ngày để thực hiện “sự dịch chuyển” cũng chẳng dễ tí nào.
Dịch chuyển nguyệt san – không tốt với dân teen
Việc dịch chuyển nguyệt san được sử dụng để giúp bạn gái có những ngày thoải mái khi tham quan, dã ngoại. Nhưng nó cũng kéo theo hàng loạt những rắc rối do lượng estrogen trong cơ thể luôn giữ ở mức cao.
Điều này sẽ dẫn đến một lọat rắc rối về nội tiết tố trong cơ thể. Nó có hậu quả đàng hoàng đấy nhé:
– Cơ thể có cảm giác bứ bứ do nguyệt san bị kìm hãm lại bên trong.
– Có thể khiến mụn trứng cá “biểu tình” nhiều hơn ở cổ, mặt, lưng.
– Hay bị nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt hơn khi có nguyệt san.
– Sau khi nguyệt san xuất hiện trở lại có thể gây hiện tượng nguyệt san ra quá nhiều, chu kì nguyệt san không trở lại như ban đầu mà thay đổi loạn xị.
– Tâm lý bất ổn vì không biết nguyệt san sẽ trở lại và hoạt động theo kiểu gì, có bình thường hay không.
Tóm lại, không nên cố thay đổi nguyệt san trái với tự nhiên, thay vì vậy, bạn hãy khắc phục để có một kì nguyệt san an toàn đi: chuẩn bị kỹ “urgo” này, ăn và uống đầy đủ chất này, hàng ngày tập thể dục nhẹ nhàng, vậy là sẽ có một kỳ kinh nguyệt khỏe re thôi bạn ạ!